TỔ CHỨC HỌP LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ ĐỀ ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH, XÃ

0

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị 11 Ban Chấp hành trung ương, các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 65/2025/QH15 ngày 19/02/2025; Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) năm 2025; Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025. Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Bắc Kạn nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ và các kế hoạch, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn về sắp xếp, sáp nhập ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Bắc Kạn là cần thiết nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC mới sau sắp xếp, phù hợp với thực tiễn khi không tổ chức ĐVHC cấp huyện; bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; mở rộng không gian phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Bắc Kạn đã đảm bảo thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn tại địa phương và được sự đồng thuận của người dân.

Trước khi sắp xếp, tỉnh Bắc Kạn có 108 ĐVHC cấp xã (gồm 95 xã, 06 phường, 07 thị trấn). Sau khi sắp xếp, tỉnh Bắc Kạn còn 37 ĐVHC cấp xã (gồm 35 xã, 02 phường); giảm 71 ĐVHC cấp xã (gồm 60 xã, 04 phường, 07 thị trấn), giảm 65,74 %.

Thành lập xã Vĩnh Thông trên cơ sở hợp nhất xã Sỹ Bình, xã Vũ Muộn và xã Cao Sơn. Kết quả sắp xếp: Xã Vĩnh Thông có diện tích tự nhiên 129,55 km2 (đạt 130% so với tiêu chuẩn); Quy mô dân số 4.631 người (đạt 93% so với tiêu chuẩn). Các ĐVHC cùng cấp liền kề: Xã Hiệp Lực, xã Phủ Thông, xã Cẩm Giàng, xã Côn Minh, xã Văn Lang. Nơi đặt trụ sở làm việc của xã Vĩnh Thông: Tại xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông (ĐVHC trước sắp xếp). Cơ sở và lý do của việc sắp xếp ĐVHC: Bảo đảm giảm khoảng 60% đến 70% tổng số ĐVHC cấp xã trước sắp xếp theo đúng định hướng của Trung ương; Có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc tương đồng; Có vị trí địa lý liền kề kết nối giao thông thuận lợi, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của địa phương. Cở sở và lý do của việc lựa chọn tên gọi Vĩnh Thông: Kế thừa lịch sử, truyền thống về tên hành chính cấp xã. Cở sở và lý do của việc lựa chọn đặt trụ sở tại xã Vũ Muộn: Có trục đường giao thông thuận tiện, giúp cho người dân thuận lợi trong việc giao dịch với chính quyền cơ sở; có diện tích đất lớn và bằng phẳng đáp ứng các điều kiện về quy hoạch và mở rộng không gian phát triển trong tương lai.

Đề án hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, sau khi sáp nhập hai tỉnh sẽ lấy tên đơn vị hành chính là tỉnh Thái Nguyên, có diện tích đất tự nhiên là trên 8.375km2 (đạt 104,69% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số là 1,8 triệu người (đạt 199,94% so với tiêu chuẩn) và 92 đơn vị hành chính gồm 15 phường và 77 xã trực thuộc. Việc hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng. Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm quân sự quan trọng, nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Bắc Kạn có địa hình hiểm trở, từng là căn cứ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiện nay tỉnh Bắc Kạn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là vùng An toàn khu của Trung ương; việc hợp nhất thuận lợi cho xây dựng thế trận quân sự liên hoàn vững chắc trên địa bàn Quân khu 1 (đóng tại Thái Nguyên). Hai tỉnh có nhiều nét văn hóa tương đồng, cả hai tỉnh đều có cộng đồng người Tày, Nùng chiếm tỷ lệ lớn, đồng thời đều chịu ảnh hưởng của văn hóa người Kinh (Việt) trong quá trình giao thoa văn hóa. Cả hai tỉnh đều gắn liền với căn cứ địa, thủ đô kháng chiến chống Pháp nên có nhiều di tích lịch sử và văn hóa cách mạng. Việc hợp nhất là phù hợp với bối cảnh trong nước và xu hướng chung của thế giới: Nhiều hoạt động hành chính truyền thống đã được số hoá và triển khai thực hiện trên môi trường điện tử. Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào ranh giới địa giới hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.

Một số hình ảnh họp xin ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã

Qua triển khai các văn bản, đề án cho người dân biết trước khi xin ý kiến người dân về sáp nhập các xã trên địa bàn tỉnh và hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và thái Nguyên; người dân đồng tình với chủ trương rất cao. Trên địa bàn xã có 227 cử tri là đại diện hộ gia đình; kết quả xin ý kiến hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên có 223 phiếu đồng ý, đạt 97,94%; sáp nhật xã Cao Sơn, Vũ Muộn, Sĩ Bình thành xã Vĩnh Thông, trụ sở đặt tại xã Vũ Muộn (cũ), có 219 phiếu đồng ý, đạt 95,93%. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy trình, thể hiện rõ vai trò làm chủ của Nhân dân trong công cuộc đổi mới tổ chức bộ máy hành chính, “khởi điểm lịch sử” vững chắc vươn mình vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Dương Tập